Trong thời kỳ dậy thì, cơ quan sinh dục bạn gái phát triển mạnh, đặc biệt là cơ quan sinh dục ngoài. Tất cả các bộ phận như: môi lớn, môi nhỏ, âm vật, âm đạo của bạn gái đều lớn lên, lông mu mọc xung quanh âm hộ và màu sắc âm hộ sẫm hơn trước. Cũng như gương mặt có mắt, mũi, miệng … nhưng mỗi người một vẻ, cơ quan sinh dục ngoài là một phần độc đáo với màu sắc và hình dạng riêng của mỗi người.
Âm hộ, xương mu, lông sinh dục, môi lớn và môi nhỏ
Âm hộ là vùng cơ quan sinh dục bên ngoài, được phủ lông mu khi đến tuổi dậy thì. Ban đầu quanh cơ quan sinh dục xuất hiện vài ba sợi, sau nhiều thêm, quăn hơn, có người chỉ có một dúm lông nhỏ, nhưng cũng có người lông dày và mọc lên cả phía bụng và xuống hai bên đùi, hậu môn.
Bên dưới da, phần phía trên của âm hộ là một lớp đệm bảo vệ bằng mỡ trùm lên xương mu. Bắt đầu từ bên dưới đệm là một rãnh kép do các nếp da hình vòng cung tạo thành, đó là các môi lớn (còn gọi là môi ngoài) và môi bé (còn gọi là môi trong). Chúng che chở toàn bộ hệ sinh dục, trước hết là âm vật, sau đó là lỗ niệu đạo và âm đạo nằm ở bên dưới lỗ đó.
Âm vật
Là cơ quan sinh dục rất đặc biệt, cơ quan này không có một chức năng gì khác ngoài việc cung cấp khoái cảm tình dục. Âm vật có kích thước chỉ bằng hạt đậu, nằm gép trong một nếp mô, ở chỗ hai môi bé gặp nhau. Nói một cách chính xác thì phần âm vật nhô lên mà bạn nhìn thấy chỉ là đầu âm vật, còn toàn bộ âm vật nằm bên trong cơ thể, có hình dài. Bào thai nam nữ ở những tuần đầu có cơ quan sinh dục giống nhau, âm vật và dương vật chỉ là một, sau đó mới phát triển phân biệt thành nam hay nữ.
Khi được kích thích tình dục, âm vật cương cứng giống như một dương vật nhỏ. Âm vật và các môi là những cơ quan quan trọng đối với phản ứng tình dục của người phụ nữ. Khi có kích thích chúng được nhồi đầy máu xung quanh, căng phồng và ép lên các tuyến nhỏ nằm bên trong các môi bé, khiến tuyến này tiết ra một chất dịch làm ẩm ướt vùng xung quanh và phía trong là lỗ âm đạo. Nhờ các chất dịch này giúp cho việc giao hợp được dễ dàng hơn và không gây đau cho bạn gái.
Màng trinh
Màng trinh có nhiều loại hình khác nhau. Nó là một nếp niêm mạc mọc ra từ chung quanh âm môn, che phủ lỗ ngoài của âm đạo, nhưng không phải kín bưng như tang trống. Màng trinh có lỗ để máu kinh hàng tháng thoát ra. Tùy theo hình dáng của lỗ mà màng trinh có hình dạng khác nhau (hình vẽ): lỗ hình tròn nhỏ hay trái xoan, lỗ hình nửa vòng tròn, hoặc lỗ hình lá, hình bầu dục... Ở lớp niêm mạc của màng trinh có những mao mạch. Hơn 60% trường hợp màng trinh mỏng khi giao hợp lần đầu thì dễ rách và chảy máu. Cá biệt có loại khá dày giao hợp không được, cần phải nhờ thầy thuốc cắt rạch màng trinh. Nhưng đáng lưu ý là có gần 30% các loại màng trinh dai và co giãn tốt, giao hợp không rách nên không ra máu. Hoặc màng trinh hình cầu như dải lụa vắt vẻo từ bên này qua bên kia ở cửa âm đạo, khi giao hợp màng trinh chỉ ép vào một bên chứ không rách nên cũng không chảy máu.
Muốn biết màng trinh còn hay "mất", bạn gái có thể tự kiểm tra bằng một chiếc gương soi trong tư thế ngồi xổm hoặc nhờ bác sĩ chuyên khoa sản phụ khoa kiểm tra giúp. Tuy nhiên như trên đã nói, màng trinh có rất nhiều loại và tính chất khác nhau. Có loại co dãn tốt, nên sau một vài lần giao hợp, nó vẫn còn nguyên xi và chẳng hề chảy máu. Một số khác dễ rách khi đi xe đạp, chạy nhảy, tập thể dục thể thao... dù chưa quan hệ tình dục với ai bao giờ.
Nói tóm lại, không có một căn cứ xác đáng nào khẳng định một cô gái là còn trinh hay không. Nhiều bạn trai đã đánh mất hạnh phúc của mình chỉ vì quanh quẩn với những câu hỏi"ngớ ngẩn" về màng trinh. Họ căn cứ vào những quan niệm cũ và không khoa học để nghi ngờ sự không chung thủy hay đánh giá đạo đức của bạn tình. Đây có thể coi là một trong những sai lầm nghiêm trọng mà các bạn trai không nên mắc phải.
Cùng với sự thay đổi của các bộ phận sinh dục bên ngoài, bên trong cơ thể, âm đạo, tử cung cũng lớn lên. Hai buồng trứng bắt đầu thực hiện chức năng tiết hóc môn sinh dục và phóng noãn (rụng trứng). Niêm mạc tử cung bắt đầu tăng trưởng và tự thải theo chu kỳ (hành kinh).
Âm đạo
Phía dưới âm vật và lỗ tiểu là cửa âm đạo. Cửa âm đạo dẫn vào đường sinh dục trong. Âm đạo là một khoang rỗng, dài, xẹp lép và có dạng đường ống nằm giữa âm hộ và cổ tử cung giống như một khoang ảo. Bình thường các thành của nó chạm sát vào nhau và chỉ tách rời nhau ra nhờ một màng dịch ở giữa. Thành âm đạo bao gồm một số sợi cơ có tính đàn hồi, chúng sẽ giãn ra để chứa dương vật trong lúc giao hợp và giãn rộng trong lúc sinh để đưa em bé ra ngoài.
Lối vào âm đạo nằm ngay bên dưới niệu đạo, được hai đôi môi lớn và môi bé che chở và bảo vệ. Chiều dài của âm đạo khác nhau tuỳ theo từng người, trung bình khoảng 10 cm.
Âm đạo tự làm sạch bằng cách tiết ra một chất dịch nhầy có tác dụng dọn sạch những tế bào đã chết cũng như máu và các tế bào do tử cung thải ra trong chu kỳ kinh nguyệt.
Dịch tiết âm đạo
Bước vào tuổi dậy thì, bạn gái thấy cơ quan sinh dục nhiều khi ướt át, quần lót có dịch dính. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể. Chất dịch này xuất hiện ở cửa âm đạo nên thường gọi là “dịch tiết âm đạo”, nhưng vì xuất xứ từ cổ tử cung nên nó còn có tên gọi là “dịch tiết cổ tử cung”. Dịch thường có màu trắng trong, trắng đục hoặc hơi ngả vàng, có thể nhiều hay ít tùy từng cơ thể.
Ngoài việc giữ ẩm cho âm đạo, dịch tiết âm đạo còn có chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho tinh trùng vào tử cung khi có trứng rụng, hoặc cản trở việc thâm nhập đó khi không có trứng đợi tinh trùng. Do đó nó thay đổi theo thời gian trong chu kỳ.
Sau khi hết đợt hành kinh, bạn gái có thể thấy khô ở âm đạo và không có dịch tiết hoặc có thể thấy một trong hai dạng chất dịch: đặc dính hoặc loãng ướt. Tuy nhiên, ở khoảng thời gian giữa của một chu kì (giữa hai đợt hành kinh), bạn cũng có thể thấy dịch tiết nhiều hơn, loãng hơn, ướt át hơn. Nó trong như lòng trắng trứng, có thể hơi hồng. Cầm giữa hai ngón tay, bạn có thể kéo dài ra được. Trứng thường rụng trong khoảng thời gian này. Khi thấy dịch tiết nhiều trong khoảng thời gian này, nhiều bạn nghĩ mình bị bệnh, như vậy là nhầm đấy.
Sau khi rụng trứng, dịch tiết dần mất đi độ ướt, trở nên đặc dính. Ở một số bạn nó biến mất hẳn. Một số bạn có dịch đặc cho đến tận kỳ kinh sau. Một số bạn khi sắp hành kinh lại có dịch loãng nên cảm thấy ướt át ở âm đạo.
Đó là những thay đổi thông thường của dịch tiết âm đạo. Còn nếu bạn bị viêm nhiễm ở đường sinh dục, chất dịch sẽ có biểu hiện bất thường, như màu vàng sậm, màu xanh, mùi hôi tanh khó ngửi, tiết ra nhiều hơn bình thường, kèm theo ngứa ngáy cơ quan sinh dục. Lúc đó bạn cần đi khám.
Một điều nữa, bạn đừng nhầm dịch tiết âm đạo với dịch sinh dục. Dịch sinh dục là chất nhờn tiết ra khi có kích thích tình dục (có thể là kích thích về tâm lý, có thể do cơ quan sinh dục được kích thích), có chức năng bôi trơn đường sinh dục giúp cho việc giao hợp được dễ dàng hơn.
Tử cung
Có cấu tạo gồm hai phần chính là thân và cổ tử cung, nối giữa hai phần này là eo tử cung.
Cổ tử cung
Là một cơ quan sinh sản, có vai trò riêng của mình đối với khả năng sinh sản của người phụ nữ. Bình thường cổ tử cung là một lỗ rất bé, đường kính chỉ khoảng 1-2 mm, nhưng khi sinh nở có thể mở rất rộng để em bé trong tử cung ra được bên ngoài.
Một số tế bào của cổ tử cung sinh ra dịch nhầy, với liều lượng thay đổi theo sự lên xuống của tình trạng nội tiết.
Trong một phần thời gian của chu kỳ kinh nguyệt, chất dịch nhầy này phong toả không cho tinh trùng đi vào tử cung, còn trong thời gian có khả năng thụ thai (thời kỳ rụng trứng) của chu kỳ kinh nguyệt thì dịch nhầy thay đổi để cho tinh trùng đi qua một cách dễ dàng.
Thân tử cung
Là một cơ quan hình quả lê, bên trong rỗng, nằm giữa bàng quang và trực tràng.
Trước lần có thai đầu tiên, thân tử cung có kích thước khoảng 6 x 4 cm, trong thời kỳ mang thai, thân tử cung tăng dần kích thước để trở thành một ổ nằm thoải mái cho một thai nhi nặng khoảng 3 kg.
Sau khi sinh con, thân tử cung nhanh chóng co lại, nhưng sẽ to hơn một chút sau mỗi lần sinh, những phụ nữ sinh đẻ nhiều lần, kích thước của tử cung có thể lên tới 7 – 8 x 5 cm.
Kích thước thân tử cung có thể thay đổi như vậy là do thành tử cung có cấu trúc cơ khoẻ, có thể đàn hồi. Nó được cung cấp máu rất đầy đủ và có một lớp niêm mạc bên trong (gọi là nội mạc tử cung), có thể thay đổi vào mỗi kỳ kinh nguyệt cũng như vào lúc sinh đẻ.
Thân tử cung được gắn chặt với cổ tử cung và âm đạo. Thân tử cung được giữ nguyên ở một chỗ nhờ giải mô rộng và có tính đàn hồi, treo giữa thành ngoài của tử cung và thành trong của tiểu khung.
Buồng trứng
Mỗi bạn gái đều có hai buồng trứng, là hai cơ quan hình bầu dục nằm ở hai bên, cạnh tử cung. Các buồng trứng nằm lọt trong các dây chằng rộng (đó là những giải mô có tác dụng giữ cho tử cung treo ở đúng vị trí của nó) và nối với tử cung bởi dây chẳng riêng của buồng trứng.
Kích thước buồng trứng ở người trưởng thành là 2,5 – 5 x 2 x 1 cm và nặng 4 – 8g. Trọng lượng của chúng thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt.
Các buồng trứng không sản xuất ra các tế bào trứng, mà nhiệm vụ của nó là nuôi dưỡng trứng. Trứng đã có sẵn ở buồng trứng ngay từ khi bé gái được sinh ra. Mỗi trứng được lưu giữ trong một túi nhỏ, gọi là nang trứng, bé gái mới sinh có khoảng 400,000 nang trứng. Tuy nhiên, nang trứng ở em bé mới sinh chưa thể thụ thai được mà phải được nuôi dưỡng để lớn lên và “chín”. Chỉ có các nang trứng đã “chín” mới có thể thụ thai. Quá trình nang trứng “chín” chỉ xảy ra từ tuổi dậy thì. Các nang trứng không cùng “chín” một lúc. Hàng tháng, sẽ có vài nang trứng được kích hoạt để phát triển đến gần giai đoạn “chín” nhưng chỉ có duy nhất một nang trứng được cơ thể tự chọn để phát triển đến “chín” hẳn. Nang này chứa nhiều dịch và một tế bào làm chức năng sinh sản gọi là noãn. Khi đường kính của nang này lớn khoảng 20 mm (nang chín), nó tự vỡ để giải phóng noãn (được gọi là phóng noãn hay là rụng trứng). Noãn được hút vào vòi trứng, sẵn sàng cho quá trình thụ thai. Nếu gặp tinh trùng, chúng sẽ kết hợp với nhau (gọi là thụ tinh), rồi phát triển thành thai nhi.
Bình thường, sau khi đã phóng noãn, nang trứng còn lại lớp vỏ bên ngoài gọi là hoàng thể. Hoàng thể sẽ tiết ra progesteron làm cho niêm mạc tử cung dày lên, sẵn sàng đón nhận noãn đã được thụ tinh đến làm tổ và phát triển. Nếu noãn không được thụ tinh thì hoàng thể sẽ tự teo đi, làm cho lượng progesteron giảm xuống, lớp niêm mạc tử cung bong ra, cùng với sự co bóp của tử cung sẽ đẩy chúng ra ngoài, gây ra hiện tượng chảy máu kinh.
Các nang trứng không “chín hẳn” và noãn đã được phóng vào vòi trứng nếu không được thụ tinh cũng sẽ thoái hoá dần.
Như vậy là giống như tinh hoàn của nam giới, buồng trứng cũng đảm đương chức năng của tuyến nội tiết, sản sinh ra các nội tiết tố như Estrogen và Progesteron.
Vòi trứng
Là cơ quan nối giữa các buồng trứng với tử cung, nằm ở bên phải và bên trái tử cung, uốn cong quanh buồng trứng. Một đầu của vòi trứng dẫn vào tử cung, còn đầu kia để mở, kết thúc bằng những sợi tua có thể di chuyển một cách dễ dàng gọi là loa vòi trứng.
Khi một noãn trưởng thành được giải phóng khỏi nang trứng thì các sợi tua có thể di chuyển ở đầu mở của vòi trứng tóm lấy nó và chuyển vào bên trong vòi trứng. Sự thụ tinh giữa noãn và tinh trùng diễn ra bên trong vòi trứng (thường ở 1/3 phần ngoài của loa vòi). Chính tại đây, noãn được thụ tinh phát triển những bước đầu tiên. Như vậy, vòi trứng có vai trò quan trọng trong quá trình sinh sản, phải "thông suốt" để tinh trùng có thể di chuyển vào gặp trứng cũng như đảm bảo quá trình thụ tinh của noãn và sự phát triển của phôi thai trước khi phôi thai di chuyển vào làm tổ trong tử cung.
Kết luận: Như vậy là mỗi cơ quan sinh dục đều có chức năng khác nhau nhưng chúng hoạt động phối hợp với nhau rất nhịp nhàng, bất kỳ một trục trặc ở cơ quan nào đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động sinh sản của cơ thể.
Back to posts
293816